lunchtime facial

Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ

3/28/2022 5:08:38 PM

Tính mới của kiểu dáng công nghiệp? Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp? Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp? Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?

Kiểu dáng công nghiệp có tầm quan trọng đối với nhiều loại sản phẩm được sản xuất hàng loạt như các sản phẩm thủ công riêng lẻ, bao bì, hộp đựng sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp càng thành công thì càng có giá trị đối với công ty. Với tư cách là một tài sản của công ty, kiểu dáng công nghiệp phải được quản lý, kiểm soát và bảo hộ đầy đủ. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bảo đảm sự độc quyền đối với việc sử dụng chúng và là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị của công ty . Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có thể tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho công ty của bạn thông qua việc thu phí chuyển giao quyền sử dụng ( li – xăng ) kiểu dáng cho người khác hoặc thông qua bán quyền của kiểu dáng được đăng ký .Tuy nhiên, đối với những kiểu dáng công nghiệp phải thỏa mãn những điều kiện nhất định mới được bảo hộ. Dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ.

1. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp

Tại Điều 65 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.”

Có thể thấy “tính mới” là tiêu chí đầu tiên và tiêu chí then chốt để một kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ. Về phương diện quốc tế, tính mới cũng được ghi nhận tại Hiệp định TRIPs tại Khoản 2 Điều 25 mục 4, quy định này cho phép các thành viên có thể quy định rằng kiểu dáng công nghiệp không được coi là mới hoặc nguyên gốc nếu không khác biệt cơ bản với những kiểu dáng đã biết hoặc với tổ hợp các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng đã biết.

Tại Khoản 2 Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 đưa ra tiêu chí: “Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.”

Tức là hai kiểu dáng công nghiệp phải khắc đặc biệt nhau ở những đặc điểm dễ dàng nhận biết như yếu tố về màu sắc, hình khối, đường nét, tương quan vị trí hoặc kích thước. Các yếu tố không được coi là đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp có thể kế đến như hình khối, đường nét được quyết định bởi chính chức năng kỹ thuật của sản phẩm; vật liệu dùng chế tạo sản phẩm; kích cỡ sản phẩm,… Như vậy, để có cơ sở xác định tính mới của kiểu dáng công nghiệp cần phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đối chứng để tìm ra ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản không có mặt trong tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đối chứng. 

Kiểu dáng công nghiệp có tính mới cần phải chưa bộc lộ công khai. Khoản 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 quy định: “Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.” Những người có hạn được hiểu là những người cùng tham gia vào việc tạo ra kiểu dáng công nghiệp đó, hoặc là những người đã cung cấp dữ liệu, giúp đỡ để tạo ra kiểu dáng công nghiệp đó. Ngoài ra, thì Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 cũng quy định các trường hợp loại trừ việc làm mất tính với tại Khoản 4 Điều 65 như sau:

“4. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.”

2. Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Tại Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 quy định: “Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng”.

Như vậy, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu thành quả sáng tạo của tác giả, không được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Kiểu dáng công nghiệp ở đây phải có một khoảng cách, sự khác biệt đáng kể, chứng đựng những yếu tố mới của kiểu dáng công nghiệp hiện có. Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng là người có kiến thức thông thường về lĩnh vực kiểu dáng công nghiệp. Trình độ của họ đạt đến ngưỡng có khả năng tự cập nhật được tất cả những kiến thức liên quan đến lĩnh vực này tính đến thời điểm ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, cũng như khả năng ứng dụng riêng rẽ hoặc kết hợp, khả năng tư duy thông thường từ những kiến thức tương ứng về kiểu dáng được sáng tạo. 

3. Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. (Điều 67 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019), tức là kiểu dáng công nghiệp phải có tính khả thi, có thể triển khai sản xuất hàng loạt trong điều kiện thực tế với kết quả mong muốn như đơn yêu cầu.

Trên thực tế có những đối tượng bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp khi đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, thể lỏng,…); sản phẩm chỉ có hình dạng nhất định trong những điều kiện đặc biệt và sẽ biến dạng khi ở trong điều kiện bình thường (pháp hóa, hình các tia nước phung ra ở đài phun nước,..); người ta chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt (đồ vẽ, trạm khắc,… ) hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn.

4. Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng bị cấm đăng ký ở nhiều nước bao gồm: Kiểu dáng không đáp ứng các điều kiện về tính mới , tính nguyên gốc và / hoặc đặc điểm riêng biệt bao gồm

– Kiểu dáng bị cho rằng được tạo ra do chức năng kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có. Các đặc điểm của kiểu dáng có tính chức năng hoặc kỹ thuật có thể được bảo hộ bởi các quyền sở hữu trí tuệ khác (ví dụ, bởi sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc chúng được giữ như là bí mật thương mại), phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể .

-Kiểu dáng chứa biểu tượng hoặc huy hiệu chính thức được bảo hộ (như quốc kỳ ).

–  Kiểu dáng được coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định các trường hợp không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

–  Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp khuyến khích chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp sáng tạo. Sự tồn tại của hệ thống pháp luật bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, với khả năng nhận được độc quyền khai thác kiểu dáng công nghiệp trong một thời gian có hạn, đã tạo ra sự khích lệ quan trọng trong hoạt động sáng tạo kiểu dáng công nghiệp, đồng thời giúp chủ sở hữu sáng chế bảo vệ có hiệu quả thành quả sáng tạo của mình, tiếp tục đầu tư phát triển tạo ra kiểu dáng công nghiệp mới.  Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp góp phần tạo ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội Với các quy định chặt chẽ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp , đã buộc các đối thủ cạnh tranh buộc phải đầu tư sáng tạo để có thể cạnh tranh với chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp , mà không thể bắt chước, sao chép các kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp với chi phí thấp, bởi đó là những hành vi vi phạm pháp luật, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi đó.

 

---------------------------

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Địa chỉ: Số 66, Đường 19/5, Phường Văn Quán,  Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội

Hotline: 0964587766

Email: luatsenvang66@gmail.com


Nếu bạn đang có vấn đề cần giải đáp, hãy mạnh dạn chia sẻ với chúng tôi. Chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ các bạn.

TIN LIÊN QUAN